CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị HIV trong tình hình COVID-19

Chủ Nhật, 22/12/2024 | 12:00:32 GMT+7

Người lao động có HIV còn bị kỳ thị phân biệt đối xử trong đại dịch COVID-19

12/01/2022 | 978 lượt xem

Phương Hà

Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và công ty nghiên cứu và thăm dò dư luận Gallup International phối hợp thực hiện vừa công bố cho thấy, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại dai dẳng trong thế giới việc làm. 
 

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh AIDS, hơn 40 năm sau kể từ khi bệnh AIDS xuất hiện, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại. Gần 40% người được phỏng vấn cho rằng không nên cho phép những người có HIV làm việc trực tiếp với những người không bị nhiễm. Cứ 10 người được hỏi, thì có tới 6 người cũng ủng hộ việc bắt buộc xét nghiệm HIV trước khi cho phép đi làm. Nghiên cứu cho thấy là việc thiếu kiến thức về lây truyền HIV là căn nguyên dẫn đến thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử. Cứ trong hai người thì chỉ có một người biết HIV không thể lây truyền khi sử dụng chung một nhà vệ sinh và chỉ có một phần tư số người được hỏi trả lời chính xác về cách thức HIV lây truyền như thế nào. Những lầm tưởng và quan niệm sai lầm vẫn tồn tại dai dẳng và góp phần dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử. Báo cáo Khảo sát Toàn cầu về Phân biệt đối xử với HIV trong Thế giới Việc làm là sản phẩm hợp tác mang tính đột phá giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và công ty nghiên cứu và thăm dò dư luận Gallup International. Báo cáo đã làm sáng tỏ nguyên nhân khiến tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn tồn tại dai dẳng trong thế giới việc làm. Thông tin xây dựng báo cáo được thu thập từ hơn 55.000 người từ 50 quốc gia trên toàn thế giới. Quan điểm của các khu vực về vấn đề này khá khác nhau. Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực có mức độ dung nạp thấp nhất về khía cạnh trực tiếp làm việc với người nhiễm HIV (chỉ có 40% người đươc phỏng vấn cho rằng nên cho phép người có HIV làm việc với người không bị nhiễm), tiếp đến là Trung Đông và Bắc Phi (chỉ 42% người đươc phỏng vấn người đươc phỏng vấn cho rằng nên cho phép người có HIV làm việc với người không bị nhiễm). Những khu vực có thái độ tích cực nhất là Đông Phi và Nam Phi, theo đó gần 90% người được phỏng vấn cho biết nên cho phép làm việc trực tiếp với người nhiễm HIV. Trình độ học vấn cao hơn cũng có mối tương quan với thái độ tích cực về khía cạnh làm việc với người nhiễm HIV. 68% những người có trình độ đại học trên toàn cầu đồng tình rằng nên cho phép làm việc trực tiếp với người có HIV, trong khi chỉ có 39,9% người tốt nghiệp tiểu học đồng ý với điều này. “Thật đáng kinh ngạc khi những lầm tưởng và quan niệm sai lầm về HIV/AIDS vẫn còn rất phổ biến sau 40 năm kể từ khi căn bệnh này xuất hiện. Chính việc thiếu kiến thức cơ bản về phương thức lây truyền của HIV đã dẫn tới sự kỳ thị và phân biệt đối xử,” bà Chidi King, Trưởng Bộ phận Giới, Bình đẳng, Đa dạng và Hòa nhập của ILO (GEDI), cho biết. “Cuộc khảo sát này là lời cảnh tỉnh để củng cố lại các chương trình phòng chống và giáo dục về HIV. Thế giới việc làm phải đảm nhận vai trò then chốt trong đó. Kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc khiến mọi người bị xa lánh, đẩy những người nhiễm HIV vào tình cảnh nghèo khó và ảnh hưởng tới mục tiêu đạt được việc làm thỏa đáng", bà Chidi King nhấn mạnh. Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm việc triển khai các chương trình về HIV nhằm tăng cường hiểu biết của người lao động về cách thức lây truyền của HIV và xóa bỏ những hiểu biết sai lầm, cải thiện môi trường chính sách pháp luật về HIV để bảo vệ quyền của người lao động, bỏ yêu cầu xét nghiệm HIV bắt buộc theo Khuyến nghị của ILO về HIV và AIDS (Khuyến nghị số 200), mở rộng phạm vi tiếp cận an sinh xã hội, cũng như giải quyết tình trạng bạo lực và quấy rối có thể bắt nguồn từ kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách phê chuẩn và thực thi Công ước của ILO về chấm dứt Bạo lực và Quấy rối năm 2019 (Công ước số 190).

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải dấu diếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng.

Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác và làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt.

Nếu phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử thì người bệnh gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ cần có và quyền được kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.

Dưới góc độ bình đẳng giới, phụ nữ nhiễm HIV thường bị kỳ thị, phân biệt đối xử hơn nam giới do nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu vẫn qua đường tiêm chích ma tuý và hành nghề mại dâm. Nên những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh. Trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con. Chính vì vậy, hậu của của sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn đẩy họ và gia đình suy sụp nhanh hơn.

Như vậy, việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết và rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Đó là: Chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; Chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây; Chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông; Chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế – xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

Từ đó, phương pháp truyền thông sẽ được đổi mới với những công việc cụ thể như rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.

Đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông. Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc …Tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình. Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS…

Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những con đường dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS, mà còn chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV cũng như  những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này.