CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Thứ Bảy, 20/04/2024 | 18:45:13 GMT+7

PrEP - biện pháp mới trong dự phòng lây nhiễm HIV

07/07/2022 | 515 lượt xem

PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV cho người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới.

Từ năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV.
Dựa trên kết quả các nghiên cứu của thế giới cho thấy, khi dùng PrEP 7 liều 1 tuần có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến 99% khi QHTD qua đường hậu môn. Năm 2014, nghiên cứu thử nghiệm iPrEx trên 2499 người tham gia là nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới sử dụng FTC/TDF 1 viên mỗi ngày tại 6 quốc gia là Braxin, Ecuador, Peru, Nam Phi, Thái Lan và Hoa Kỳ cho hiệu quả của PrEP trong việc ngăn ngừa HIV lên đến 90%.
Các bằng chứng từ 18 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho kết quả rằng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) làm giảm đến hơn 70% nguy cơ lây nhiễm HIV so với giả dược. Việc tuân thủ sử dụng PrEP tại các quần thể nguy cơ cao sẽ phòng lây nhiễm HIV hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong nhóm quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới.
Sau chương trình triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngày 1/12/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5418/QĐ-BYT về việc hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Trong đó, phác đồ thuốc ARV để điều trị PrEP hiện nay là TDF/FTC (300mg/200mg) trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên. 


Ngày 12/02/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai Dự án Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020. Theo đó, PrEP được xác định là 1 can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Kế hoạch triển khai chương trình PrEP qua Quyết định số 5154/QĐ-BYT ngày 11/12/2020. Sau 3 năm thực hiện chương trình, tính đến 30/9/2021, chương trình PrEP đã được triển khai tại 27 tỉnh/thành phố với 111 cơ sở (83 cơ sở y tế công và 28 cơ sở y tế tư nhân) với 13.625 khách hàng sử dụng dịch vụ điều trị PrEP. Trong đó, 78% khách hàng là MSM, hơn 50% khách hàng hiện đang điều trị tại 28 cơ sở y tế tư nhân. Năm 2021, thuốc ARV và các xét nghiệm cho điều trị PrEP tại 26 tỉnh/ thành phố được cấp miễn phí cho khách hàng qua nguồn kinh phí tài trợ của chương trình PEPFAR và Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS. Khách hàng tại 15 tỉnh do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ sẽ được dự án chi trả dịch vụ miễn phí cho đến hết năm 2023. Chương trình PEPFAR hỗ trợ tại 11 tỉnh, thành phố trọng điểm đến hết năm 2023 và chưa có cam kết tài trợ cho những năm tiếp theo.

Phương Hà