PrEP là thuốc uống điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao nhưng chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP là một chiến lược mới, là “lá chắn” hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV qua đường tình dục đến hơn 90%.
Năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người tiêm chích ma tuý, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.
Trước tình hình dịch HIV diễn biến tăng nhanh ở nhóm MSM, ngày 28/9/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5866/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 - 2020. Trong bối cảnh hình thái dịch HIV của Việt Nam chuyển sang lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và nhóm MSM được coi là nhóm nguy cơ chính trong dịch HIV ở Việt Nam. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ -TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ lệ người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030”(3). Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm có hành vi nguy cơ cao, qua đó giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới và về lâu dài sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho quỹ BHYT khi chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV
Sau 3 năm khởi động, chương trình điều trị PrEP đã được triển khai tại 27 tỉnh, thành phố với 13.625 khách hàng sử dụng dịch vụ điều trị PrEP, trong đó 78% khách hàng là MSM. Qua theo dõi gần 3 năm triển khai điều trị PrEP chỉ có 8 khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do không tuân thủ điều trị, không có khách hàng nào bị nhiễm HIV khi tuân thủ điều trị tốt. Nếu so với nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội qua theo dõi 1.498 MSM không điều trị PrEP sau 12 tháng có 56 trường hợp MSM dương tính với HIV (chiếm tỷ lệ 3,73%) thì việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã làm giảm tới hơn 98% ca nhiễm HIV. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).
Vậy ai là người cần dùng PrEP: PrEP được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng sau: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); Người chuyển giới nữ (TGW); Phụ nữ bán dâm; Người sử dụng ma túy; Các cặp dị nhiễm, tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.
Sử dụng thuốc PrEP thế nào: Uống thuốc đều đặn 1 viên mỗi ngày vào 1 thời điểm nhất định. Dùng các biện pháp hỗ trợ như hẹn giờ, ứng dụng điện thoại nhắc nhở … để khỏi quên. Nếu lỡ quên hãy uống ngay khi nhớ ra (không uống quá 2 viên trong 24 giờ); PrEP đạt hiệu quả bảo vệ tối đa khi dùng 7 ngày liên tục với quan hệ tình dục hậu môn và 21 ngày liên tục đối với quan hệ tình dục âm đạo hoặc tiêm chích ma túy.
PrEP có an toàn không: PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ có một số ít người (khoảng 10%) gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu …, nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ và chấm dứt sau một đến hai tuần. PrEP không ảnh hưởng tới việc sử dụng hoóc môn nữ. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ hoặc có câu hỏi gì liên quan đến sử dụng PrEP.
Khi nào dừng sử dụng PrEP: Khi không còn nguy cơ nhiễm HIV; Khi không muốn uống thuốc hàng ngày và muốn sử dụng các biện pháp dự phòng hiệu quả khác; Khi các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống; Hãy trao đổi đối với bác sĩ nếu bạn muốn ngừng sử dụng PrEP.
Tại sao vẫn cần có các biện pháp khác khi đang dùng PrEP: PrEP phòng lây nhiễm HIV nhưng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C …; Hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và bơm kim tiêm sạch khi tiêm chích để giảm nguy cơ hơn nữa.