Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay.
Dịch vụ điều trị PrEP lưu động là dịch vụ y tế nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, được thực hiện tại các địa điểm bên ngoài cơ sở y tế phù hợp với khách hàng hoặc tại một nơi thuận lợi với một nhóm khách hàng mà do hoàn cảnh hoặc lý do nào đó họ không tiếp cận được với dịch vụ điều trị PrEP tại các cơ sở y tế.
PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng vi rút, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% đến 99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Truyền thông cần có mục tiêu, đối tượng và thông điệp rõ ràng; có những câu chuyện và cặp đôi có thực. Truyền thông một cách tinh tế, chuyên nghiệp giúp cộng đồng am hiểu. Tích cực truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông đại chúng.
Truyền thông để cho thấy PrEP an toàn và hiệu quả để phòng ngừa HIV - đó là cách tốt nhất để phòng ngừa HIV cho những người âm tính. Truyền thông luôn đảm bảo thông điệp rõ ràng, có cái nhìn tích cực về tình dục. Hiện nay, PrEP - bao gồm cả thuốc, thăm khám và xét nghiệm máu - có miễn phí tại Việt Nam. PrEP dành cho bất kỳ ai có nguy cơ nhiễm HIV, bao gồm cả đồng tính nam, nữ chuyển giới hoặc những người dùng chung kim tiêm. Thuốc PrEP cho phép bạn kiểm soát sức khỏe tình dục của mình. PrEP rất an toàn, thậm chí còn được dùng cho phụ nữ mang thai. Bạn sẽ gặp nhà cung cấp dịch vụ của mình ba tháng một lần để kiểm tra để đảm bảo bạn khỏe mạnh. PrEP là một loại thuốc được sử dụng trước khi quan hệ tình dục hoặc dùng chung kim tiêm để những người không có HIV ngăn ngừa lây nhiễm bệnh này. Đó là cách TỐT NHẤT để ngăn ngừa HIV nếu bạn âm tính.
PrEP hàng ngày khác PrEP tình huống như thế nào?
PrEP hàng ngày uống hàng ngày, mỗi ngày một viên. Không nhất thiết phải uống vào đúng một thời gian nhất định, nhưng điều này khiến bạn dễ nhớ uống thuốc hơn! Uống khi no hay khi đói cũng được. Nếu quên liều, chỉ cần uống ngay khi nhớ ra, trừ khi đã tới lúc phải uống liều tiếp theo. PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác – an toàn khi uống cùng với nhau.
Còn PrEP theo tình huống (ED) nghĩa là bạn chỉ uống PrEP khi bạn có quan hệ tình dục. Giống PrEP uống hàng ngày, PrEP theo tình huống có tác dụng nếu bạn dùng rượu hoặc ma túy
Một số thông tin cần lưu ý khi truyền thông về PrEP
PrEP không phải là PEP! PEP là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV
PrEP không phải là điều trị HIV! PrEP chỉ dành cho những người không có HIV còn người có HIV phải sử dụng các thuốc khác
PrEP không phải là K=K! K = K là những người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV mỗi ngày để đạt được ức chế tải lượng HIV và không làm lây truyền HIV sang bạn tình của họ.
PrEP không phải là vắc xin phòng HIV! Bởi PrEP là một loại thuốc sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, thuốc này sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc
Hội thảo tổng kết thí điểm điều trị PrEP
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 5154) với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025.
Để mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Quyết định 5154, Cục Phòng chống HIV/AIDS xây dựng Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP).
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo hướng dẫn.
Đồng thời tăng cường truyền thông tạo cầu, quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động, điều phối hoạt động kết nối giữa các cơ sở y tế (cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị ARV, …) và các nhóm cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm chuyển gửi, giới thiệu khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ PrEP.
Theo Hướng dẫn cung cấp dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), cơ sở y tế thực hiện cung cấp điều trị PrEP lưu động theo hình thức đội khám và điều trị PrEP lưu động.
Cơ sở y tế lựa chọn địa điểm cung cấp điều trị PrEP lưu động phù hợp với đối tượng khách hàng đích, có thể là: (1) Phòng y tế tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề; (2) Phòng y tế tại khu công nghiệp, khu chế xuất; (3) Phòng y tế của trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; (4) Các sự kiện truyền thông hoặc nơi tập trung nhiều người có nguy cơ cao có thể phù hợp để cung cấp dịch vụ PrEP tại chỗ; (5) Các cơ sở dịch vụ giải trí, nhà riêng, xe lưu động hoặc các địa điểm khác phù hợp với đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV cần điều trị PrEP.
Điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và trang thiết bị y tế, thuốc và phạm vi hoạt động chuyên môn của cung cấp điều trị PrEP lưu động được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ Y tế Quy định về Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Đối với truyền thông tạo cầu và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động, các cơ sở cần xây dựng kế hoạch truyền thông tạo cầu và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động tới nhóm khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV. Thông tin chi tiết cho khách hàng về các đợt điều trị PrEP lưu động tại địa phương.
Việc truyền thông và quảng bá dịch vụ điều trị PrEP lưu động có thể được truyền thông trực tiếp qua nhóm tiếp cận cộng đồng và lồng ghép với truyền thông tạo cầu về điều trị PrEP hoặc các dịch vụ truyền thông về HIV/AIDS, STIs…; Lồng ghép với các hoạt động truyền thông cho nhóm đích tại các địa điểm tập trung nhiều đối tượng có nguy cơ cao.
truyền thông PrEP cho nhóm đích
Các kênh truyền thông quảng bá dịch vụ được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, fanpage, các dịch vụ tiếp cận cộng đồng và xét nghiệm hoặc các sự kiện ở trường học, sự kiện cuối tuần hướng đến nhóm khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Các bước cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động cụ thể như sau:
Bước 1. Cơ sở điều trị PrEP thành lập đội cung cấp dịch vụ PrEP lưu động: Bảo đảm các điều kiện tại mục IV. 1.2 của hướng dẫn này.
Bước 2. Cơ sở điều trị PrEP xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động chi tiết: Thời gian, địa điểm cung cấp dịch vụ, số lần cung cấp dịch vụ lưu động trong tháng, quý, năm.
Bước 3. Tập huấn đội cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động về kỹ năng tư vấn và quy trình cung cấp dịch vụ lưu động.
Bước 4. Chuẩn bị trước chuyến lưu động
Ngoài ra, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị PrEP lưu động phải có trách nhiệm quản lý bệnh án và sổ sách ghi nhận các thông tin của khách hàng tại phòng khám thực hiện dịch vụ lưu động...