CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Thứ Tư, 15/01/2025 | 11:49:13 GMT+7

Tập trung mở rộng điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP ở các tỉnh, thành phố

15/04/2022 | 1679 lượt xem

PrEP là biện pháp điều trị dự phòng dành cho những người chưa mắc HIV nhưng có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV, bao gồm: Nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; phụ nữ bán dâm; các cặp đôi - bạn tình thuộc trường hợp các cặp dị nhiễm.

Hay là những người đang bị nhiễm HIV chưa thực hiện điều trị bằng thuốc đặc trị ARV hoặc thời gian điều trị chưa đủ 6 tháng…
Hiệu quả bảo vệ khỏi HIV là 92%
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, phương pháp PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ tháng 3/2019. Đến nay, toàn tỉnh có 8 phòng khám công lập và 2 phòng khám tư nhân đang cung cấp điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ. Kết quả đánh giá cho thấy, hiệu quả bảo vệ khỏi HIV nếu sử dụng thuốc PrEP là 92%.
 
Nhiều hoạt động hỗ trợ người có nguy cơ cao dùng PrEP để tránh lây nhiễm HIV
Thời gian gần đây, số lượng nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân chính là lối sống buông thả, nhiều bạn tình của một bộ phận nam giới; quan hệ tình dục không an toàn như không đeo bao cao su, không uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm…Do vậy, việc mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP là rất cần thiết nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV đối với các đối tượng nguy cơ.
Thông tin từ Sở Y tế, trong tháng 4/2022, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 56 trường hợp mắc mới HIV được đưa vào điều trị, ghi nhận 1 trường hợp nhiễm HIV/AIDS tử vong. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 5,8 nghìn trường hợp mắc HIV/AIDS. Trong đó có hơn 5,1 nghìn bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV.
Về công tác điều trị Methadone, hiện toàn tỉnh có 9 cơ sở đang điều trị cho hơn 1,2 nghìn bệnh nhân.
Là phương pháp an toàn, nhiều ưu điểm
Theo số liệu báo cáo của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh, trong 10 tháng năm 2021, Tây Ninh ghi nhận 501 người nhiễm HIV mới, trung bình mỗi tháng có hơn 55 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, tỷ lệ nhiễm thuộc nhóm MSM (quan hệ đồng giới) có xu hướng gia tăng.
•    Cùng nhau dùng PrEP để dự phòng HIV
•    PrEP dạng tiêm giúp người dùng dễ tuân thủ điều trị HIV
•    Sự khác nhau khi sử dụng PrEP trước và sau quan hệ tình dục với việc dùng hàng ngày
•    Mở rộng các mô hình can thiệp PrEP trong nhóm MSM
•    Điều trị PrEP - Chiến lược toàn diện trong phòng, chống HIV/AIDS
Căn cứ số liệu giám sát trên địa bàn tỉnh, nhóm MSM có tỷ lệ cao nhất, chiếm từ 15%-25% trên nhóm nguy cơ cao. Nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm này chủ yếu ở những người trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng chất kích thích và quan hệ tình dục với nhiều người.
Những năm qua, Tây Ninh mở rộng nhanh các mô hình truyền thông, vận động đối tượng tham gia dự phòng HIV bằng PrEP như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Hiện tỉnh có 5 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS triển khai dịch vụ điều trị dự phòng PrEP, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành và huyện Gò Dầu, Bến Cầu.
Các bạn trẻ đến đây xét nghiệm, hầu hết rất lo lắng, sợ sệt và hoang mang. Được tư vấn, đăng ký tham gia dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, các bạn cảm thấy yên tâm hơn, nhất là việc xét nghiệm định kỳ, theo dõi sức khoẻ cá nhân. Việc tập trung triển khai các giải pháp tiếp cận đối với nhóm có hành vi nguy cơ cao hiện nay- nhất là nhóm MSM trẻ tuổi góp phần tăng tỷ lệ người tham gia điều trị dự phòng bằng PrEP.
Tại Phòng khám ngoại trú (OPC) thị xã Hoà Thành, năm 2021, các đối tượng tham gia điều trị PrEP gia tăng, đạt hơn 200 người. Trong đó, đối tượng MSM chiếm số đông.
Trong bối cảnh chưa có vaccine để dự phòng HIV thì PrEP được xem là biện pháp điều trị dự phòng hiệu quả cao.
Phương pháp này có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua can thiệp thực tế trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu sử dụng đúng cách, thì hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV của PrEP mang lại đạt hơn 90%.
Vì thế, việc tuân thủ uống thuốc hằng ngày rất quan trọng để tăng hiệu quả dự phòng HIV tối đa (giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới hơn 90%). Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, trước khi cấp phát PrEP, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Bên cạnh những biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ những người đã nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một trong phương pháp mới, an toàn, nhiều ưu điểm. Tăng độ bao phủ PrEP làm giảm tỷ lệ nhiễm, thậm chí còn cắt đứt đường lây truyền HIV.
PrEP góp phần ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng
Thực hiện Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Nam Định đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV tại 5 cơ sở gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu.
Để thu hút người có nguy cơ cao tham gia điều trị PrEP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông như: Phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; sản xuất và cấp phát sách nhỏ "Hỏi đáp về PrEP - Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm", sản xuất và phát sóng clip quảng bá chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm trên truyền hình CAB và các tài khoản mạng xã hội facebook của mạng lưới MSM tại Nam Định; truyền thông trực tiếp cho hàng trăm nghìn lượt người; cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi phổ biến về PrEP, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV)… cho những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện như "Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) - Vì sức khỏe cộng đồng" với sự tham gia của các đại biểu từ các cơ sở điều trị ARV, các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV của bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các tổ chức dựa vào cộng đồng (OBS) như "Hành trình mới", "Gió biển", "San hô", "Nắng mới"... Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng lớn từ các cán bộ y tế cũng như những khách hàng đang và có dự định điều trị PrEP. Qua các hoạt động truyền thông, người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV cao, nâng cao nhận thức về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
Bằng những kết quả thiết thực trong phòng ngừa lây nhiễm HIV, Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV ở Nam Định đã thu hút được ngày càng nhiều người trong nhóm nguy cơ cao tham gia. Đến nay, nhiều khách hàng đã và đang tham gia điều trị PrEP. Qua đó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với mục tiêu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho khách hàng mỗi năm, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, nhằm thu hút ngày càng đông người tiếp cận dịch vụ, tham gia điều trị hiệu quả, góp phần giảm thiểu HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới vào năm 2030.

Đàm Hạnh