CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị HIV trong tình hình COVID-19

Thứ Sáu, 19/04/2024 | 07:57:01 GMT+7

Triển khai hoạt động Xét nghiệm viêm gan C và HIV tại Cao Bằng

15/04/2022 | 698 lượt xem

 Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Medlatect tổ chức tiến hành lấy và làm xét nghiệm tải lượng virus Viên gan C lưu động cho 292 người bệnh mắc viên gan C tại tỉnh Cao Bằng, trong đó có 226 người nhiễm HIV/AIDS và 66 người đang điều trị Methadone.

Nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2022, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét (Dự án Quỹ toàn cầu) viện trợ thuộc điều trị viêm gan C (VGC) và xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C cho người nhiễm HIV/AIDS và người đang điều trị Methadone mắc viên gan C tại các tỉnh do Quỹ toàn cầu hỗ trợ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng và Bệnh viện Medlatect (Hà Nội) thực hiện.

Nhằm bảo đảm lộ trình điều trị, theo quy định của Dự án Quỹ toàn cầu bệnh nhân phải tự chi trả xét nghiệm cơ bản ban đầu trước điều trị bao gồm công thức máu, men gan, Creatianin… với giá dịch vụ chi trả 225.000đồng/bệnh nhân (trong đó bệnh nhiễm HIV được làm thanh toán qua Bảo hiểm Y tế, bệnh nhân điều trị Methadone tự chi trả).

Sau khi có kết quả tải lượng virus Viêm gan C, Đoàn khám chữa điều trị VGC lưu động tại tỉnh Cao Bằng sẽ tiến hành điều trị cho người bệnh cho phác đồ điều trị 84 ngày/đợt điều trị, với tổng chi phí 22 triệu đồng/bệnh nhân và được miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị VGC tại Cao Bằng.

Nguồn kinh phí cho điều trị lưu động tại tỉnh Cao Bằng do Cục Phòng, chống HIV/AIDS điều phối từ nguồn kinh phí do Dự án Quỹ toàn cầu và Dự án VAAC/EPIC hỗ trợ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là đơn vị đầu mối, tham mưu cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS thành lập đoàn công tác điều trị VGC lưu động tại tỉnh Cao Bằng có sự tham gia của cơ sở y tế địa phương và các chuyên gia y tế về điều trị VGC.

Để bệnh nhân được hưởng lợi từ nguồn dự án quốc tế tài trợ, theo hướng dẫn việc điều tiết sử dụng hiệu quả thuốc điều trị VGC và xét nghiệm tải lượng viêm gan C do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ điều trị miễn phí cho người bệnh tại tỉnh Cao Bằng, thì Cơ sở y tế tại Hà Nội sau khi hoàn thiện các xét nghiệm sẽ lập bệnh án ngoại trú, chỉ định điều trị VGC, quản lý bệnh án gốc, tổng kết bệnh án ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm thông báo cho các cơ sở điều trị methadone, cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, sắp xếp, bố trí, chuẩn bị nhân sự và người bệnh cùng các điều kiện cần thiết khác để đoàn công tác điều trị VGC lưu động cho người bệnh tại tỉnh Cao Bằng được triển khai trong tháng 6/2022 thuận lợi và hiệu quả.

Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến gan, được truyền bởi virus viêm gan C (HCV) và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở những người nhiễm HIV.

Theo ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B (viêm gan B) mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C (viêm gan C) mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%). Toàn quốc hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống, trong số này có trên 156.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điều trị đồng thời thuốc ARV và Methadone.

Tình trạng nhiễm virus viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C.

Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%. Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir. Qua đó đã có 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.

Sau khi chương trình được triển khai, đã có trên 1.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị viêm gan C từ nguồn thuốc viện trợ miễn phí này. Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.

Vân Anh