CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Thứ Bảy, 21/09/2024 | 08:02:46 GMT+7

Triển khai Điều trị PrEP lưu động

09/08/2021 | 1005 lượt xem

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) là biện pháp đang được áp dụng rất phổ biến. Tại Việt Nam đến hết tháng /2021 có hơn 32.000 người đã được sử dụng PrEP.

 Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những đối tượng có nguy cơ cao muốn dùng PrEP cần được sự tư vấn, khám, xét nghiệm kỹ từ bác sĩ. Bởi những đối tượng sau không sử dụng được PrEP: Người có HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính; những người rối loạn chức năng thận; người dị ứng với thuốc (tenofovir và Emtricitabine); người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới hay các cặp dị nhiễm HIV (tức là một người nhiễm HIV và một người chưa bị nhiễm HIV) được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng này. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục mở rộng điều trị PrEP tại các trạm y tế và các phòng khám tư tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng khi tham gia chương trình điều trị này. Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, địa phương sẽ đẩy mạnh truyền thông trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, để các đối tượng đích có thể tham gia tiếp cận PrEP và điều trị hiệu quả.

Trong chuyến công tác tại Đồng Nai về triển khai PrEP lưu động có PGS.TS Phan thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, bà Lopa Basu, Giám đốc phòng Y tế USAID. Cùng tham dự còn có đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, trung tâm Y tế huyện Thống nhất và trạm Y tế xã. Hoạt động này được triển khai do  đa số thành viên nhóm quần thể đích có nguy cơ nhiễm HIV cao là công nhân nhà máy với giờ làm việc kéo dài khiến họ gặp rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Do không có một cơ sở y tế nào tại huyện này cung cấp dịch vụ PrEP, dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường do USAID tài trợ đã hỗ trợ cho Glink Đồng Nai - một tổ chức cung cấp dịch vụ HIV do nhóm quần thể đích điều hành - phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai và Trung tâm y tế huyện Thống Nhất thực hiện ngày “PrEP on Wheels” (PrEP lưu động) lần thứ 3. Đây là một phương thức lưu động cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV và chăm sóc y tế dành cho bệnh nhân. Thông qua hoạt động tiếp cận cộng đồng, 20 khách hàng mới đã đăng ký sử dụng PrEP, 2 khách hàng mắc bệnh giang mai được phát hiện và điều trị, 19 khách hàng đã đăng ký dịch vụ trước đó được tư vấn theo dõi điều trị.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS đã tham dự sự kiện tiếp cận cộng đồng và chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hào hứng khi tham dự sự kiện PrEP ngày hôm nay, loại hình sự kiện như thế này rất thực tế và thuận tiện để có thể đem tới dịch vụ PrEP cho các khách hàng có nhu cầu nhưng sống ở xa các phòng khám có cung cấp dịch vụ PrEP hiện nay”. Đồng thời tại chuyến cung cấp dịch vụ PrEP lưu động, các khách hàng cũng được bác sỹ tổ chức truyền thông nhóm về PrEP. Hoạt động này có ý nghĩa gì? Các hoạt động cung cấp dịch vụ PrEP lưu động do USAID hỗ trợ giúp cải thiện việc cung cấp dịch vụ PrEP cho các nhóm quần thể đích tại Đồng Nai và được các cơ quan y tế địa phương đánh giá cao là một phương thức đưa các công cụ dự phòng HIV quan trọng đến với khách hàng mới, đặc biệt là những người sống ở các khu vực tiếp cận còn hạn chế với dịch vụ chăm sóc HIV. Thông qua những nỗ lực này, USAID tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng là chấm dứt lây nhiễm HIV vào năm 2030.
 
Bà Lopa Basu, đại diện USAID phát biểu  trong chuyến thị sát hoạt động PrEP Lưu động

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, ước tính số người nhiễm HIV/AIDS toàn tỉnh là 6 nghìn người, trong đó có khoảng 5,4 nghìn người biết được tình trạng bệnh của mình (đạt 88,2%), 89,3% bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV, 96% bệnh nhân đang điều trị ARV khống chế tải lượng virus dưới 1 nghìn bản sao/ml. Hiện địa phương có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút lao động từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước về làm việc. Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp, các loại dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp, trong đó có HIV/AIDS, vì vậy, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên địa bàn là việc làm rất cần thiết. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), các trung tâm y tế TP. Biên Hòa, TP.Long Khánh và H. Long Thành với sự tham gia của 418 người, đạt 111% so với chỉ tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu không còn người nhiễm HIV vào năm 2030 thì việc mở rộng điều trị PrEP là rất cần thiết, giúp cho nhiều đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ để phòng ngừa, từ đó hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng. BS Ngô Thị Kim Nga, cán bộ thuộc Tổ chức quốc tế USAIDS/PATH Healthy Markets (tài trợ điều trị PrEP) cho biết, Đồng Nai là tỉnh có nhóm đối tượng đích (nhóm đồng giới nam, chuyển giới hay các cặp dị nhiễm HIV) khá đông. Ngoài 4 cơ sở đã triển khai thực hiện điều trị PrEP, năm 2021, dự án tiếp tục hỗ trợ Đồng Nai triển khai mở rộng các mô hình mới tại các trạm y tế tuyến phường, xã thuộc H.Long Thành và TP.Biên Hòa như: Trạm Y tế TT.Long Thành, An Phước, Long Bình Tân, Hóa An và 2 phòng khám tư nhân là: GLINK Biên Hòa và Alocace Biên Hòa. Kế hoạch đến năm 2021 sẽ có khoảng 3 nghìn khách hàng tại Đồng Nai được tham gia điều trị PrEP.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với chiếc PrEP BUS
Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV vào năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV.
 
Truyền thông nhóm lớn được bác sỹ Glink triển khai tại chuyến PrEP lưu động
 

Hiệu quả khi điều trị PrEP
Hiệu quả của PrEP đối với việc dự phòng lây nhiễm HIV có liên quan chặt chẽ với việc tuân thủ điều trị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP đạt hiệu quả dự phòng cao nhất đối với nhóm người sử dụng có mức độ tuân thủ cao (đạt từ 70% nồng độ thuốc trong máu trở lên). Đối với nhóm có mức độ tuân thủ thấp (nồng độ thuốc trong máu thấp hơn 40%) thì PrEP cho thấy không có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), nếu uống PrEP hằng ngày thì có thể giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục tới 99% và giảm nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm người sử dụng ma túy tới 74%.
PrEP phù hợp với bất kỳ ai chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ cao nhiễm HIV, và phù hợp nhất với những người là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, bạn tình âm tính trong cặp dị nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy.
Lưu ý sử dụng PrEP với một số nhóm khách hàng
Một số nhóm khách hàng đặc thù cần được cung cấp thêm thông tin về việc sử dụng PrEP gồm có:
-    Người chuyển giới nữ: PrEP vẫn đạt hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV ở người chuyển giới nữ nếu được dùng đều đặn. PrEP không làm thay đổi nồng độ hoóc môn nữ, mặc dù nồng độ của tenofovir trong máu có thể giảm khi người chuyển giới nữ đồng thời sử dụng PrEP và hoóc môn chuyển đổi giới tính.
-    Phụ nữ mang thai và cho con bú: Theo khuyến cáo của CDC (Hoa Kỳ), đối với những cặp vợ chồng có dự định có con mà người chồng đang nhiễm HIV thì PrEP có thể là một lựa chọn để dự phòng lây nhiễm HIV cho người vợ và cho em bé trong quá trình thụ thai, mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, việc người phụ nữ mang thai quyết định sử dụng hoặc không sử dụng PrEP hoàn toàn do người này quyết định, sau khi được tư vấn chi tiết về những lợi ích cũng như rủi ro có thể có khi dùng PrEP.
-     Những người trước đây đã dùng PEP nhiều lần: nên được tư vấn để sử dụng PrEP.
-     Những người đã có hành vi nguy cơ và có khả năng phơi nhiễm trong vòng 72 giờ qua, cần được bác sĩ tư vấn và có thể chỉ định điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) trong 28 ngày tiếp theo. Sau khi kết thúc liệu trình PEP, thực hiện xét nghiệm HIV để đảm bảo tình trạng HIV âm tính và thực hiện tư vấn cho khách hàng sử dụng PrEP.

Trần Trung Bách